Mô hình khởi nghiệp nuôi lươn của sinh viên
09/06/2022
Từ thực tế đó, nhóm 03 sinh viên: Nguyễn Chí Tình, Lâm Hinh Hiếu và Nguyễn Hoài Nam cùng học năm thứ tư tại Trường Đại học Trà Vinh đã nảy sinh ý tưởng
Nhóm trưởng Nguyễn Chí Tình kiểm tra lươn nuôi.
Từ thực tế đó, nhóm 03 sinh viên: Nguyễn Chí Tình, Lâm Hinh Hiếu và Nguyễn Hoài Nam cùng học năm thứ tư tại Trường Đại học Trà Vinh đã nảy sinh ý tưởng thực hiện dự án sản xuất và phân phối lươn giống giúp nông dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Sinh viên Nguyễn Chí Tình, nhóm trưởng của dự án cho biết: bản thân em luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bậc THPT. Với mong muốn áp dụng những gì mình học được vào thực tế cuộc sống để giúp cho bản thân và người dân địa phương mình. Qua thời gian tìm hiểu nghiên cứu em đã nhận thấy con lươn là một đối tượng nuôi phù hợp với quê hương Hòa Minh cũng như nhiều địa phương khác. Không những thế, lươn còn là một thực phẩm có vị thuốc, đồng thời có thể chế biến thành những món ăn đặc sản với hàm lượng dinh dưỡng cao. Về mùi vị các món ăn chế biến từ lươn luôn có mùi thơm ngon đặc trưng, có giá trị kinh tế cao đối với người nuôi và các quán ăn, nhà hàng... Do đó, nhu cầu về nguồn thực phẩm từ lươn luôn rất cao trên thị trường. Thế nhưng, việc khai thác quá mức nguồn lươn tự nhiên làm cho loài này ngày càng cạn kiệt, nhưng vẫn không đủ đáp ứng thị trường. Ngược lại, lươn là một đối tượng tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta. Hiện nay việc áp dụng công nghệ nuôi lươn không bùn ngày càng cho hiệu quả cao, nên việc nhân rộng đối tượng con nuôi này đang được nhiều nông dân hướng tới.
Qua nghiên cứu, nhóm của Nguyễn Chí Tình nhận thấy vấn đề lớn đặt ra là phải có đủ nguồn con giống có chất lượng để cung cấp cho người nuôi. Trong khi các cơ sở sản xuất lươn giống hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng. Từ đó dẫn đến thực trạng một số người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư.
Trước thực tế trên, từ năm 2020, Dự án “Sản xuất lươn giống từ lươn bột theo hệ thống RAS” do nhóm của Nguyễn Chí Tình nghiên cứu đã ra đời. Mô tả về sản phẩm của dự án, Nguyễn Chí Tình cho biết, dự án là một mô hình sản xuất lươn giống mới, hiện đại thông qua việc áp dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cân bằng được các yếu tố môi trường nước giúp lươn phát triển tốt hơn, hạn chế tối đa các tác nhân phát sinh mầm bệnh trong quá trình nuôi. Từ đó, tiết kiệm được chi phí thông qua quá trình tái sử dụng nước, đồng thời mang đến tỷ lệ sống cho lươn giống lên đến 90%.
Vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng một quy trình sản xuất lươn giống hiệu quả, tiết kiệm và năng suất cao, bạn Nguyễn Chí Tình chia sẻ: qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm nhóm đã xây dựng thành công quy trình sản xuất lươn giống mới ở quy mô thí nghiệm tại trại thủy sản thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Bước đầu nhóm cũng đã chuyển giao giống đến 06 hộ dân nuôi thử nghiệm đạt kết quả vượt mong đợi khi lươn phát triển tốt và ít hao hụt. Do đó, có thể thấy, Ddự án “Sản xuất và phân phối lươn giống từ lươn bột theo hệ thống RAS” sẽ mang đến cho người nông dân một mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả. Với hệ thống sản xuất chặt chẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác nhân gây bệnh đáp ứng được nguồn con giống có chất lượng tốt với số lượng lớn, đồng thời giá thành thấp hơn thị trường. Góp phần làm cho vụ nuôi được thành công, tăng lợi nhuận đồng thời làm giàu cho bản thân, gia đình và các hộ nuôi trong tỉnh, góp phần giúp cuộc sống của người dân được tốt hơn.
Xét về góc độ giá trị của dự án, thầy Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh cho biết, đây là dự án có bước đột phá trong công nghệ sản xuất lươn giống tại Việt Nam. Qua nghiên cứu thầy Vũ An nhận thấy quy trình sản xuất của dự án khá tiên tiến nên đã cho ra nguồn lươn giống sạch bệnh, lươn nuôi lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, đồng thời tiết kiệm được chi phí cho việc sản xuất góp phần hạ giá thành con giống mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đặc biệt, dự án này còn góp phần vào quá trình sản xuất con giống của nước ta, khắc phục những hạn chế từ các phương pháp sản xuất giống truyền thống. Bên cạnh đó, dự án còn mang đến một mô hình nuôi mới hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro cho người dân vùng nông thôn…
Về hướng phát triển, trưởng nhóm Nguyễn Chí Tình cho biết thêm, trong thời gian tới sau khi ra trường, nhóm dự kiến sẽ thành lập Công ty TNHH lươn giống Chí Tình để mở rộng quy mô sản xuất phục vụ người nuôi và phân phối giống cho các đại lý. Sự thành công của dự án sẽ góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, tăng nguồn thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Trong tương lai có thể biến lươn thành một đối tượng xuất khẩu mang đến giá trị kinh tế cao cho người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Thông báo
- PHỔ BIẾN GIẢI THƯỞNG CHUYỂN ĐỔI SỐ VIỆT NAM NĂM 2022
- Thông báo về việc đăng ký tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và chương trình hỗ trợ công nghệ, thông tin , tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục nhận hồ sơ đến cuối tháng 3/2022
- Cuộc thi: Sáng tác Biểu trưng và Khẩu hiệu khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh
- Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021 bắt đầu nhận hồ sơ tham gia của doanh nghiệp