Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả
11/06/2022
Nhiều mô hình của thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực, giúp thanh niên phát huy sức trẻ, mạnh dạn thực hiện các mô hình lập thân, lập nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngay từ đầu năm, Thành Đoàn - Ủy ban Hội LHTN thành phố Trà Vinh đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội trực thuộc thành lập mới và duy trì hiệu quả các tổ hợp tác (THT) thanh niên và tham gia các hợp tác xã (HTX) tại địa phương. Đến nay, thành phố Trà Vinh có 08 THT thanh niên với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tại các phường, xã trực thuộc. Một số mô hình hiệu quả như: THT thanh niên “Chăn nuôi gà” của Đoàn Thanh niên Phường 1; THT “Chăn nuôi” của Đoàn Thanh niên xã Long Đức (nuôi bò sinh sản, ếch và gà thịt); THT “Dịch vụ bảo trì xe” của Đoàn Thanh niên Phường 6; câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế với mô hình “Nuôi bò sinh sản” của Đoàn Thanh niên Phường 9… Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Phường 4 còn phát động thanh niên tích cực tham gia HTX hoa kiểng Thanh Bình, với 71 thành viên (15 thành viên là ĐVTN).
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Nơi, ngụ ấp Huệ Sanh, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch thương phẩm, nhằm phục vụ các nhà hàng trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Đến nay, anh Nơi xuất bán trên 10 tấn ếch thịt và hàng trăm ngàn con ếch giống/năm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Chia sẻ về quá trình “bén duyên” với nghề nuôi ếch, anh Nơi cho biết: cách đây khoảng 05 năm, trong thời gian làm nhân viên phục vụ ở nhà hàng anh đã tìm hiểu thêm các mô hình kinh tế của thanh niên và hứng thú với nghề nuôi ếch. Ban đầu anh nuôi thử 2.500 con ếch, sau 03 tháng chăm sóc anh xuất bán trên 0,4 tấn ếch thịt, với giá 45.000 đồng/kg, anh lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả, được hỗ trợ về vốn của Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã Long Đức, anh Nơi mạnh dạn mở rộng diện tích và quy mô cũng như số lượng ếch nuôi. Hiện tại, gia đình anh Nơi có 28 vèo lưới lớn nhỏ (vèo lớn khoảng 28m² nuôi từ 5.000 - 6.000 con, vèo nhỏ khoảng 08m² nuôi từ 1.500 - 2.000 con).
Nghề nuôi ếch không cần diện tích rộng, với diện tích 08-10m² là có thể làm được một vèo để nuôi từ 1.000 - 2.000 con ếch ngay trên cạn, thời gian chăm sóc ngắn (khoảng 2,5 - 03 tháng) là xuất bán, nên có thể nuôi được 04 đợt/năm… ếch dễ nuôi, tuy nhiên nuôi ếch thịt, phải cùng kích cỡ không thả con lớn chung với con nhỏ trong cùng một vèo vì ếch lớn sẽ ăn ếch nhỏ. Bên cạnh nghề nuôi ếch thương phẩm, anh Nơi còn nghiên cứu thực hiện việc ương ếch giống để vừa nuôi cho gia đình vừa cung cấp cho các hộ nuôi trong và ngoài địa phương, thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.
Theo anh Nơi, thời gian đầu thực hiện mô hình đầu ra rất ổn định, thường thì thương lái đến tận nhà thu mua với số lượng lớn. Ngoài ra các đầu mối thu mua và các nhà hàng ở thành phố Trà Vinh cũng thường xuyên lấy hàng nên anh không phải lo lắng về vấn đề đầu ra. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên một số thương lái không thu mua hoặc có mua thì giá ếch giảm, bình thường giá ếch từ 35.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn từ 28.000-29.000 đồng/kg (có lúc thấp hơn). Đợt ếch vừa rồi với số lượng trên 42.000 con ếch thịt (gần 04 tấn) gia đình anh Nơi phải bán lẻ ở các chợ.
Nhằm phát huy vai trò đồng hành cùng thanh niên trên đường lập thân lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn thành phố Trà Vinh thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên thanh niên; phối hợp ngành chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho các thành viên THT; tranh thủ các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...
Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ sở Đoàn tiếp tục duy trì hoạt động 10 tổ nuôi heo đất có trên 80 thanh niên tham gia tiết kiệm 5.000 đồng/thành viên/ngày (số tiền tích lũy dùng để thực hiện các phong trào như tặng quà, dụng cụ học tập cho học sinh hoàn cảnh khó khăn); duy trì 16 tổ vay vốn có 296 thành viên với số tiền trên 5,6 tỷ đồng; phối hợp với công đoàn cho đoàn viên vay tín chấp quỹ lương. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động 68 tổ góp vốn xoay vòng trong đoàn viên, hội viên với 772 ĐVTN tham gia, số tiền trên 392 triệu đồng (mỗi ĐVTN góp từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng).
Theo chị Phan Thanh Vân, tuy các mô hình của thanh niên thực hiện còn nhỏ, lẻ, hiện nay lại bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng từ hướng đi này cho thấy việc xây dựng và phát triển các hình thức THT thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên đã tạo hướng đi mới cho thanh niên, giúp thanh niên có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo sức hút, tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tại địa phương. Thời gian tới, các cơ sở Đoàn chủ động làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho thanh niên.
Thông báo
- PHỔ BIẾN GIẢI THƯỞNG CHUYỂN ĐỔI SỐ VIỆT NAM NĂM 2022
- Thông báo về việc đăng ký tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và chương trình hỗ trợ công nghệ, thông tin , tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục nhận hồ sơ đến cuối tháng 3/2022
- Cuộc thi: Sáng tác Biểu trưng và Khẩu hiệu khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh
- Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021 bắt đầu nhận hồ sơ tham gia của doanh nghiệp