Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã
09/06/2022
Hiện toàn tỉnh có 150.000 thanh niên, trong đó 80% thanh niên nông thôn. Những năm qua, đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh tích cực triển khai các chương trình hành động, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, đặc biệt vận động thanh niên nông thôn tham gia KTTT, HTX… qua đó, hỗ trợ thành lập 107 HTX, tổ hợp tác (THT) phát triển kinh tế thanh niên.
Nhiều doanh nghiệp, HTX thanh niên đã tận dụng lợi thế, tiềm năng của địa phương mình và áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và thành công. Đây là tín hiệu vui, xu hướng tích cực của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân.
Điển hình như thanh niên Trầm Minh Thuần, sinh năm 1993, huyện Trà Cú đã khởi nghiệp thành công mô hình kinh tế HTX kiểu mới từ năm 2018 đến nay với 72 thành viên, vốn điều lệ 2,68 tỷ đồng. Với tinh thần xung kích, năng động trong khởi nghiệp, HTX nông nghiệp Long Hiệp do anh Thuần làm giám đốc đã trở thành địa chỉ tin cậy cho ĐVTN và các hộ dân học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Đặc biệt, sản phẩm gạo Hạt ngọc rồng của HTX được chứng nhận OCOP, hạng 4 sao.
Theo anh Thuần, nhờ các hệ thống bán hàng qua mạng đã giúp HTX có thêm nhiều kỹ năng bán hàng, tăng doanh số hàng hóa thêm 30% và thị trường phát triển toàn quốc nhờ tính ưu việt trong phương thức thanh toán và giao hàng của các sàn thương mại điện tử mang lại. Sau gần 02 năm xây dựng chuỗi và thương hiệu gạo, tuy bước đầu có kết quả nhất định, nhưng vẫn còn khó khăn cần các ngành, các cấp quan tâm hơn, nhất là tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp Long Hiệp nói riêng và các HTX trong tỉnh nói chung tiếp cận các chính sách để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại giúp các HTX vươn xa hơn.
Song song đó, mô hình THT nuôi gà đệm lót sinh học ở ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành thời gian qua góp phần tạo điều kiện cho thanh niên địa phương tham gia khởi nghiệp, giải quyết việc làm nhàn rỗi. Anh Đào Thanh Tâm, tổ trưởng THT nuôi gà ở ấp Ô Chích B cho biết: Do thiếu vốn và kiến thức nên thanh niên trong ấp phần đông sống dựa vào gia đình. Để giúp thanh niên trong ấp tham gia phát triển mô hình THT, năm 2017, được sự hỗ trợ của Xã Đoàn, anh Tâm đã tuyên truyền vận động các thanh niên tham gia các lớp tập huấn về THT, qua tuyên truyền có 10 thành viên tham gia vào THT nuôi gà cho đến nay.
Cùng thời gian này, thông qua nguồn vốn tài trợ của Ban Điều phối Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh), Xã Đoàn Lương Hòa đã hỗ trợ 400 - 500 con gà giống/hộ, giúp thanh niên giải quyết việc làm nhàn rỗi, thúc đẩy kinh tế gia đình, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan. Sau đợt nuôi đầu tiên, nhận thấy mô hình kinh tế hợp tác nuôi gà hiệu quả cao, thành viên trong tổ tiếp tục tăng đàn nuôi và duy trì cho đến nay đạt hiệu quả 02 năm liền, bình quân 1.000 con gà giống nuôi từ 3,5 - 04 tháng, nếu được giá, lợi nhuận khoảng 30 - 35 triệu đồng.
Theo anh Tâm, với 1.000m2 đất vườn dừa anh làm chuồng trại nuôi 4.000 con gà giống, nhờ vườn rộng nên anh áp dụng nuôi gối đầu bình quân 04 đợt/năm. Riêng vụ nuôi năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng dịch cúm gia cầm ở một số địa phương khác làm cho giá gà sụt giảm mạnh, nên 03 đợt nuôi vừa qua anh thu hồi vốn 02 đợt, 01 đợt lỗ hơn 20 triệu đồng. Do đó, anh Tâm cũng như các thành viên khác trong THT đã giảm đàn nuôi 50% so với cùng kỳ. Với 2.000 con gà nuôi hiện nay hơn 02 tháng đang phát triển tốt, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết.
Song song với đàn gà nuôi, anh Tâm còn tập trung nuôi gần 100.000 con giống cá lóc chia làm 02 ao trên diện tích 850m2. Trong đó có 01 ao nuôi gần 05 tháng sắp thu hoạch, nhưng do giá cá lóc hiện nay sụt giảm còn 25.000 đồng/kg nên anh tiếp tục chăm sóc và chờ giá mong thu hồi vốn. Anh Tâm chia sẻ thêm: mặc dù THT nuôi gà hiện nay cơ bản đạt hiệu quả, nhưng khó khăn về giá, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra khó khăn. Trong khi đó nguồn vốn tái đàn nuôi còn thiếu, mong các ngành, các cấp quan tâm xem xét điều kiện hoạt động của THT có thể nâng lên hoạt động theo hình thức HTX để liên kết với các đối tác thu mua lớn, giải quyết đầu ra. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn tiếp cận vốn vay ưu đãi, giảm chi phí đầu tư thức ăn, nuôi gối đầu với các cửa hàng, tăng lợi nhuận.
Để tiếp tục phát huy thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp theo mô hình KTTT, HTX, Tỉnh Đoàn Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp với nhiều phương thức đa dạng, phong phú, hiệu quả; tăng cường phối hợp truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống website, mạng xã hội của Đoàn. Triển khai các cuộc thi về tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ KTTT, HTX trong thanh niên, qua đó tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới, có tính khả thi để hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp và thành lập mô hình THT, HTX kiểu mới. Tranh thủ các nguồn lực để thúc đẩy, hỗ trợ HTX, THT phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội làm công tác tư vấn, vận động thanh niên tham gia KTTT, HTX. Hỗ trợ thanh niên xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi và nâng dần chất lượng hoạt động THT, HTX; phát triển và nhân rộng các mô hình KTTT có hiệu quả trong thanh niên, chú trọng các mô hình sản xuất, kinh doanh từ chính nguyên liệu và lao động sẵn có tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho thanh niên và người dân trên chính quê hương mình. Tăng cường công tác phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh để thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ, huy động nguồn lực để góp phần phát triển KTTT, HTX. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách về KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.
Thông báo
- PHỔ BIẾN GIẢI THƯỞNG CHUYỂN ĐỔI SỐ VIỆT NAM NĂM 2022
- Thông báo về việc đăng ký tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và chương trình hỗ trợ công nghệ, thông tin , tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục nhận hồ sơ đến cuối tháng 3/2022
- Cuộc thi: Sáng tác Biểu trưng và Khẩu hiệu khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh
- Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021 bắt đầu nhận hồ sơ tham gia của doanh nghiệp