Nâng cấp, mở rộng giao thông phục vụ chuỗi giá trị dừa

09/06/2021

Trong đó, vốn dự án hỗ trợ 59,16 tỷ đồng, vốn địa phương và Nhân dân đối ứng 16,92 tỷ đồng. Các công trình kết cấu hạ tầng đầu tư giai đoạn 2016 - 2019 chủ yếu phục vụ phát triển chuỗi giá trị dừa và phát triển làng nghề tại các địa bàn thuộc xã ưu tiên của dự án. Từ năm 2020 đến nay, Dự án SME Trà Vinh còn hỗ trợ công trình hạ tầng nhằm phát triển chuỗi giá trị du lịch văn hóa - sinh thái của tỉnh, như công trình cầu tàu Cồn Chim, huyện Châu Thành và công trình tại cù lao Tân Qui, huyện Cầu Kè; nâng cấp đường đal xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú.

 

Theo cán bộ Dự án SME Trà Vinh, phần lớn các công trình kết cấu hạ tầng được dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường nhựa, đường đal, hệ thống thoát nước dẫn vào các làng nghề, khu du lịch, mở rộng hệ thống trạm bơm nước chống hạn, mặn… nhằm phục vụ vùng nguyên liệu dừa và nông nghiệp tại các địa bàn xã, thị trấn thuộc dự án ưu tiên. Mục tiêu của các công trình phục vụ giao thương để thúc đẩy chuỗi giá trị dừa và du lịch phát triển, hỗ trợ người dân địa phương sơ tán khi có thiên tai,… Tuyến đường nhựa từ Quốc lộ 53 đến nhà ông Lê Tấn Lợi, xã Nguyệt Hóa và đoạn nối tiếp là nâng cấp đường vào vùng nguyên liệu dừa (huyện Châu Thành) được Dự án SME Trà Vinh đầu tư hoàn thành với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng nhằm phục vụ  cho toàn bộ Nhân dân trong xã với 1.920 hộ, với 7.868 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer có 587 hộ với 2.334 nhân khẩu, chiếm 29,59% số dân toàn xã. Trong đó, có một số tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) đóng trên địa bàn xã như: HTX nông nghiệp thanh long Vĩnh Trà, một số THT trồng dừa ấp Sóc Thát, nuôi gà thả vườn, đan mê bánh tráng, trồng cây có múi, trồng lác, nuôi bò thịt vỗ béo... cùng hưởng lợi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Sa, ngụ ấp Sóc Thát cho biết: hơn 10 năm trước, tuyến đường này đi lại rất vất vả, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì gập ghềnh. Vì lẽ đó, vào mùa mưa người dân góp tiền, góp sức mua đá cấp phối đổ dọc tuyến đường chủ yếu để thuận lợi đi lại. Do đường đi khó khăn nên hàng tháng người dân giảm 10% tiền thu nhập từ việc bán dừa. Không chỉ vậy, chi phí sản xuất chăn nuôi và trồng cây ăn trái tăng, trong khi giá bán giảm. Từ khi tuyến đường được Dự án SME Trà Vinh đầu tư xây dựng hoàn thành người dân nơi đây vô cùng phấn khởi và góp tiền, hiến đất để xây dựng, mở rộng tuyến đường nhựa thông thoáng sạch, đẹp. Tuyến đường đưa vào sử dụng, việc đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân thuận lợi hơn, nhất là giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng lợi nhuận. Với 0,8ha đất trồng dừa, hàng tháng ông Sa thu nhập từ 03 - 05 triệu đồng tùy theo giá ở từng thời điểm. Ngoài nguồn thu nhập từ cây dừa, thời gian gần đây, ông đầu tư chuồng trại nuôi 7.000 con gà thả vườn, mỗi năm xuất bán từ 02 - 03 đợt, mỗi đợt lợi nhuận từ 13 - 15 triệu đồng/1.000 con gà. Với hiệu quả kinh tế từ nuôi gà, gần đây ông tập trung mở rộng diện tích trong vườn dừa phát triển đàn gà nuôi xoay vòng liên tục nên 02 - 03 tháng đều có gà xuất bán, từ đó diện tích trồng dừa giảm xuống còn 2.000m2. Giờ giao thông trong ấp được nhựa hóa nên gia đình ông còn thu mua dừa trái của người dân trên địa bàn khoảng 10.000 trái/tháng đem bán cho thương lái các tỉnh lân cận nhằm tăng thêm thu nhập.

Cùng hưởng lợi từ dự án, ông Võ Văn Tám, ngụ cùng ấp bày tỏ: giao thông hoàn thiện, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại mà còn giao thương nguyên liệu dừa trái dễ dàng hơn, nhất là giá trị kinh tế từ cây dừa tăng lên đáng kể. Với gần 01ha dừa, hiện nay ông thu nhập từ 03 - 04 triệu đồng/tháng, lúc trước vào thời điểm giá dừa tăng cao thu nhập 07 - 08 triệu đồng/tháng. Cùng với cây dừa, ông còn trồng xen 2.000m2 cây thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay giá thanh long sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lợi nhuận đạt thấp. Thanh long tuy vốn đầu tư ban đầu cao nhưng về sau lợi nhuận ổn định. Về lâu dài, giá trị kinh tế cây dừa cao và bền vững hơn so với cây thanh long.

Đường vào vùng nguyên liệu dừa ấp Sóc Thát, công trình kết cấu hạ tầng do Dự án SME Trà Vinh đầu tư.

Theo ông Lâm Hữu Tùng, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Hóa, việc đầu tư xây dựng công trình trên là mong muốn, nguyện vọng của Nhân dân cũng như chính quyền. Khi đầu tư xây dựng công trình hoàn thành đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nâng cao giá trị của trái dừa. Bên cạnh đó, việc đầu tư tuyến đường còn góp phần hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm xã và trung tâm huyện, góp phần giảm sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, thu hút các công ty, doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư, tạo việc làm cho người dân trong khu vực, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển quy mô và hiệu quả phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội lâu dài của xã Nguyệt Hóa nói riêng và của huyện Châu Thành nói chung. Do đó, công trình đường nhựa từ Quốc lộ 53 đến nhà ông Lê Tấn Lợi, xã Nguyệt Hóa và đoạn nối tiếp nâng cấp đường vào vùng nguyên liệu dừa là định hướng đúng đắn, thiết thực nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển về nhiều mặt, đặc biệt phục vụ việc đi lại vận chuyển nông sản, cây ăn trái, đặc biệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời vận động người dân trong quá trình sản xuất cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng công trình, trồng xây xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường vào vùng nguyên liệu sáng - xanh - đẹp.

Ngoài tuyến đường nhựa được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ, năm 2021, xã tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình XDNTM, vốn Chương trình 135 và vận động vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng 02 tuyến đường đal ấp Cổ Tháp A, Cổ Tháp B, Trà Đét với số tiền gần 04 tỷ đồng. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tiến độ thực hiện các công trình đạt từ 50 - 80%, dự kiến hoàn thành trong quý III/2021.