Sự kiện kết nối sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp với cựu sinh viên thành đạt: Trò chơi ảo - Khát vọng thật

09/06/2022

Với chủ đề “Sinh viên khởi nghiệp cùng doanh nhân”, Ban tổ chức sự kiện kết nối các SV có ý tưởng, dự án khởi nghiệp với cựu SV thành đạt đưa ra bài tập trải nghiệm khá thú vị

 

Các SV thuyết trình và rao bán “sản phẩm” của nhóm.

Thú vị trò chơi trải nghiệm ảo

Với chủ đề “Sinh viên khởi nghiệp cùng doanh nhân”, Ban tổ chức sự kiện kết nối các SV có ý tưởng, dự án khởi nghiệp với cựu SV thành đạt đưa ra bài tập trải nghiệm khá thú vị. Đó là việc chia trên 100 SV tham gia sự kiện ra thành 10 nhóm nhỏ, với yêu cầu sau 30 phút, mỗi nhóm tự “sản xuất” 01 “Nón thời trang” trên chất liệu giấy, viết, hồ... các loại nguyên vật liệu để “sản xuất” ra sản phẩm này được bán bằng tiền mặt ngay tại khán phòng diễn ra sự kiện. Theo yêu cầu, mỗi nhóm thực hiện giống như một công ty thực tế, có tên công ty. Sau khi thiết kế và “sản xuất” ra chiếc nón (kiểu nón do nhóm tự chọn), nhóm sẽ cử đại diện thuyết trình và tìm cách bán sản phẩm cho nhà đầu tư (do cựu SV khởi nghiệp thành công đóng vai). Trong đó, phần thuyết trình được dẫn dắt vào 04 kế hoạch: tiếp thị (Marketing), sản xuất, nhân sự và kế hoạch tài chính của một công việc cần thực hiện.

Khi trò chơi diễn ra, các “nhà đầu tư” quan sát quá trình sản xuất cũng như phần chào bán nón của mỗi nhóm để cổ vũ tinh thần từng nhóm và chọn mua sản phẩm của 01 nhóm làm chất lượng, đẹp nhất và 01 nhóm bán giá thấp nhất. Bởi đây là trò chơi, kết hợp việc trải nghiệm sản xuất ra 01 sản phẩm, nên các nhóm đều có tính thi đua và cạnh tranh khá cao. Nhóm nào cũng mong muốn sản phẩm mình làm ra gây được sự chú ý với các “nhà đầu tư”. Đặc biệt, thông qua việc chào bán sản phẩm của SV, những cựu SV thành đạt trong vai các “nhà đầu tư” đưa ra những nhận xét về các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh như: việc nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất, chiến lược về giá, tính toán chi phí sản xuất trước khi làm ra sản phẩm và phân công nhân sự để thực hiện việc sản xuất... đan xen với những nhận xét, những cựu SV thành đạt đã lồng ghép chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cả thuận lợi và khó khăn về khởi nghiệp của bản thân. Đây là việc làm khá độc đáo, đã gợi mở được ở SV những ý tưởng, những kiến thức nền trong sản xuất, kinh doanh cũng như đúc kết được những bài học sâu sắc, có thể làm hành trang cho hoạt động khởi nghiệp sau này.

Khát vọng thật

Trong phần trả lời câu hỏi giao lưu với cựu SV Đoàn Phan Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Heo rừng đến từ tỉnh Đồng Tháp, hầu hết SV có mặt đều bày tỏ mong muốn được khởi nghiệp. Điều đó được chứng minh qua tinh thần tham gia sự kiện của SV. Trên từng ánh mắt, khuôn mặt của trên 100 SV đều toát lên niềm đam mê, niềm khát khao trở thành một doanh nhân thành đạt. Chính vì vậy, qua trò chơi trải nghiệm dù chỉ diễn ra trong 30 phút, nhưng các bạn đã thể hiện quyết tâm cao, cho ra các “sản phẩm” đẹp, đồng thời có phần thuyết trình được đánh giá rất cao.

Đại diện cho nhóm “Công ty TNHH Phương Tiến”, nhóm được “Nhà đầu tư” chọn mua sản phẩm nón lưỡi trai, SV Thạch Thị Thu Hương đến từ lớp Đại học Quản trị kinh doanh khóa 18, Trường Đại học Trà Vinh cho biết, em và các bạn trong nhóm rất vui vì được “Nhà đầu tư” đánh giá cao “sản phẩm” của mình. Lý do để nhóm dành chiến thắng trước các nhóm khác theo Thu Hương đó chính là nhờ nhóm có chiến lược kinh doanh rõ ràng, có kế hoạch tiếp thị sản phẩm và đặc biệt là sự quyết tâm gắn thương hiệu công ty trên sản phẩm nếu được yêu cầu sản xuất gia công cho một đơn vị khác. Dù chỉ là trò chơi trải nghiệm, xong với kết quả này SV Thạch Thị Thu Hương nói riêng và cả nhóm “Công ty TNHH Phương Tiến” với gần 10 thành viên hy vọng sẽ trở thành những doanh nhân trong tương lai.

Cùng với mong muốn đó của SV Thạch Thị Thu Hương, SV Chung Mỹ Phúc đến từ lớp Đại học Ngôn ngữ Anh khóa 17, Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: “Trước khi đến với sự kiện này, khái niệm về khởi nghiệp khá xa lạ đối với em. Tuy nhiên, sau khi được các cựu SV chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như gợi mở nhiều câu chuyện thú vị, em nhận ra công việc khởi nghiệp đến từ những thứ rất gần trong mỗi chúng ta. Cụ thể, qua phần chia sẻ của các cựu SV thành đạt em đã hiểu rõ hơn về việc thành lập đội, nhóm để khởi nghiệp cũng như quy trình để sản xuất ra một sản phẩm hoàn thiện và việc huy động vốn…”. Đặc biệt, thông qua sự kiện này, SV Chung Mỹ Phúc và các bạn trong nhóm đã đúc kết thêm kinh nghiệm về kỹ năng làm việc nhóm; đồng thời ở mỗi thành viên đều nhen nhóm cho mình những ý định về khởi nghiệp.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, SV Nguyễn Tuấn Khoa, lớp Đại học Ngôn ngữ Anh khóa 18, Trường Đại học Trà Vinh, Trưởng nhóm “Công ty Victory” cho biết, dù đang học lớp Ngôn ngữ Anh, nhưng sau khi tham gia sự kiện này, khát vọng về khởi nghiệp để trở thành một doanh nhân trong em như được đánh thức. SV Nguyễn Tuấn Khoa khá ấn tượng với phần chia sẻ từ việc huy động vốn từ người thân, bạn bè… của cựu SV Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú. Mặt khác, phần chia sẻ về thời gian khởi nghiệp từ các cựu SV, như việc sau khi ra trường các SV có thể đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm, tạo quan hệ… trước khi chính thức khởi nghiệp cũng được SV Nguyễn Tuấn Khoa và những SV khác chú ý làm hành trang cho mình.